Ký hiệu: Số: 875/KH-GDĐT
Ngày ban hành: 31-08-2021
Ngày hết hiệu lực:
Trích yếu: KẾ HOẠCH Tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Nha Trang trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Cơ quan ban hành: Phòng GD thành phố Nha Trang
Loại văn bản: Hướng dẫn, Kế hoạch
Lĩnh vực: Giáo dục
Tập tin đính kèm:
Nội dung:

         UBND THÀNH PHỐ NHA TRANG                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

         PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 875/KH-GDĐT                                                                      Nha Trang, ngày 31 tháng 8 năm 2021

KẾ HOẠCH

Tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non,

giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Nha Trang trong

điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19

        - Thực hiện Quyết định số 2430/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

           - Thực hiện Kế hoạch số 2156/KH-SGDĐT, ngày 26/8/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa Tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Nha Trang trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19,

       Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Nha Trang trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như sau:

          1.  Đối với giáo dục mầm non

          Các cơ sở mầm non, các trường mầm non (gọi chung là cơ sở GDMN) tạm dừng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, trẻ tạm dừng đến trường.

  • Các cơ sở GDMN triển khai thực hiện một số nội dung:
  • + Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức hoạt động cho trẻ vui chơi tại nhà.
  • + Hướng dẫn cha mẹ trẻ sử dụng cuốn “Cẩm nang hỗ trợ cha mẹ trẻ em nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe” và “Cùng con phát triển toàn diện” do Bộ GDĐT ban hành năm 2019; lập các nhóm Viber, Zalo, Massenger… giữa giáo viên và cha mẹ trẻ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; phân công giáo viên phụ trách nhóm, lớp nắm bắt cụ thể về tình hình sức khỏe của trẻ em trong thời gian trẻ em chuẩn bị tới trường, lớp.
  • + Nhà trường xây dựng kế hoạch, yêu cầu giáo viên lựa chọn và hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để hướng tới đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo chương trình GDMN; các nội dung, hình thức hoạt động cho trẻ em cần đảm bảo yêu cầu về giáo dục và an toàn.
  • + Riêng đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi: lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một.

            II.Đối với giáo dục tiểu học

  • Các trường tiểu học tạm dừng hoạt động dạy học, học sinh tạm dừng đến trường.
  • Các trường tiểu học triển khai thực hiện một số nội dung: 
  • + Có phương án duy trì liên lạc thường xuyên giữa nhà trường và gia đình để tổ chức ôn tập kiến thức, kĩ năng đã học, chuẩn bị tốt cho học sinh khi các em trở lại trường. 
  • + Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên biên soạn nội dung ôn tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng (tuyệt đối không biên soạn nội dung trên chuẩn) bằng nhiều hình thức như: hệ thống câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra,... Nội dung ôn tập phải được tổ khối chuyên môn trao đổi, thống nhất; được BGH kiểm duyệt. 

          Ưu tiên thời lượng cho các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh; Các môn Đạo đức, TNXH, Khoa học, Lịch sử, Địa lý có thể xây dựng theo hình thức đề kiểm tra tích hợp; Các môn thực hành như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ Thuật nên khuyến khích CMHS phối hợp GV chuyên hướng dẫn HS tập luyện theo sở thích nhằm phát triển năng lực cá nhân cho trẻ. 

  • + Chỉ đạo giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị (email, vnEdu, SMAS, Facebook, Zalo,…) để tiến hành chuyển giao nội dung ôn tập (đã được nhà trường kiểm duyệt) đến phụ huynh học sinh, hướng dẫn học sinh ôn tập bài từ xa qua các thiết bị điện tử và mạng Internet; tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với học sinh và phụ huynh học sinh trong việc quản lý, hướng dẫn học sinh tự ôn bài, kiểm tra, sửa bài qua mạng Internet.
  • + GVCN phối hợp với phụ huynh xây dựng thời gian biểu hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trong ngày đảm bảo khoa học cho việc phát triển thể lực và trí tuệ cho trẻ. Tham khảo ý kiến nhận xét của phụ huynh hàng ngày về tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của học sinh. Đồng thời yêu cầu phụ huynh tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian chưa đến trường.
  • + Hiện nay có một số kênh truyền hình và trên Internet tổ chức dạy học trực tuyến, các trường có thể chia sẻ thông tin đến phụ huynh được biết để tạo điều kiện và giúp đỡ các em tự học. Tuy nhiên, khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi thời gian học sinh sử dụng các thiết bị điện tử để học sinh tự học sao cho hợp lý đạt hiệu quả để tránh ảnh hưởng đến thị lực của các em về sau; đồng thời kiểm soát việc sử dụng thiết bị phục vụ việc học tập, tránh tình trạng các em học xong tranh thủ chơi game hoặc vào các trang web không lành mạnh.
  • + Giới thiệu cho cha mẹ học sinh lớp 1 xem các video dạy tiếng Việt lớp 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện kênh Youtube VTV7 để hướng dẫn, hỗ trợ trẻ tự học tiếng Việt lớp 1 trong thời gian  chưa đến trường.

           III.Đối với giáo dục trung học cơ sở

      Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng theo hướng dẫn tại công văn số 1853/SGDĐT-GDTrHTX, ngày 26/7/2021 của Sở GDĐT và công văn số 2130/SGDĐT-GDTrHTX, ngày 24/8/2021 của Sở GDĐT; công văn số 862/GDĐT- THCS, ngày 25/8/2021 của Phòng GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục lớp 6 từ năm học 2021-2022. Các đơn vị điều chỉnh kế hoạch theo hướng lược bỏ những tiết dạy thực hành, hoạt động giáo dục, sinh hoạt… không thể thực hiện qua Internet.

          Theo hướng dẫn tại Công văn số 1159/SGDĐT-QLCL ngày 14/5/2021; công văn số 2148/SGDĐT-QLCL ngày 25/8/2021 của Sở GDĐT; công văn số 866/GDĐT-THCS, ngày 26/8/2021 của Phòng GD ĐT về việc hướng dẫn dạy học trực tuyến trong điều kiện không thể triển khai dạy học trực tiếp kể từ năm học 2021-2022. Các đơn vị lựa chọn hệ thống phần mềm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, khả năng của giáo viên và học sinh để tổ chức dạy học trực tuyến; mỗi đơn vị lựa chọn tối đa 02 phần mềm để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý, đồng thời tránh tình trạng học sinh phải cài đặt, sử dụng quá nhiều phần mềm theo quy định của từng giáo viên; có biện pháp phù hợp hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng trước khi tham gia bài học, hỗ trợ cho những giáo viên chưa thành thạo trong việc sử dụng phần mềm. Giới thiệu, hướng dẫn, khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng CNTT khác như Facebook, Zalo,… để trao đổi thông tin, bổ sung nội dung bài dạy, bài ôn tập đến phụ huynh học sinh.

          Xây dựng kế hoạch, thời khoá biểu tổ chức các tiết học, buổi học trực tuyến và quy định cụ thể về thời gian, theo môn học, khối lớp học, giáo viên thực hiện (tương tự như thời khoá biểu áp dụng khi dạy trực tiếp), đảm bảo cùng một thời điểm, một lớp chỉ có một giáo viên dạy; Thông báo cho học sinh và phụ huynh học sinh biết kế hoạch để cùng phối hợp quản lý, thực hiện.

          Chỉ đạo Tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn rà soát chương trình, chọn lọc các bài học, kiến thức trọng tâm để xây dựng các tiết học theo chủ đề (nếu có) nhằm tiết kiệm thời gian dạy trực tiếp khi học sinh đi học trở lại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình phòng chống dịch bệnh.

           Phân công nhiệm vụ giảng dạy cụ thể cho Tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên đối với từng khối lớp. Ngoài việc dạy trực tuyến cho học sinh theo lớp được phân công, giáo viên các bộ môn còn tham gia xây dựng các bài dạy trực tuyến bằng nhiều hình thức phù hợp như bài giảng lồng tiếng trong PowerPoint, video clip… để đăng tải trên Website nhà trường; tổ chức phân công, phân cấp người theo dõi, thẩm định nội dung, chất lượng bài giảng trước khi đăng lên hệ thống. Phân công người phụ trách tiếp nhận bài dạy của tổ/nhóm chuyên môn và đăng lên Website nhà trường để tạo điều kiện cho học sinh tải về tự học.

           Đối với trường hợp học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên giảng dạy chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn học sinh tự học (bản giấy) để gửi tới số học sinh này.

           Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh và học sinh để nắm bắt thông tin sức khỏe của học sinh; nhắc nhở học sinh học tập nghiêm túc theo kế hoạch của nhà trường; thống nhất thời gian, hình thức gửi/nhận tài liệu (bản giấy) cho học sinh không thể tham gia học trực tuyến; nắm bắt thông tin phản hồi từ phụ huynh và học sinh trong quá trình học trực tuyến, báo cáo lãnh đạo nhà trường để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

  • Đánh giá kết quả học tập: 

          + Trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập giáo viên giao.

          + Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ (nếu có) trong quá trình dạy học qua Internet được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh.+ Hiệu trưởng các trường quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh qua Internet trong thời gian phòng, chống dịch COVID- 19 bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.

         Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

         Tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet; tiếp tục thực hiện việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh. Đối sánh kết quả kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.

            IV.Đối với giáo dục thường xuyên

          Theo quy định, khung thời gian năm học đối với Giáo dục thường xuyên là 32 tuần (ít hơn hệ phổ thông 03 tuần). Vì vậy, các trường có tổ chức các lớp học phổ cập giáo dục theo dõi tình hình diễn biến dịch, bệnh để bắt đầu tổ chức dạy học muộn hơn 03 tuần so với trường THCS.

          Nếu sau 03 tuần vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách, các đơn vị tổ chức việc dạy học trực tuyến như hướng dẫn đối với các trường THCS nêu trên.

           V.Hỗ trợ học sinh tại địa điểm cư trú

         Các trường triển khai, thực hiện Công văn 3508/BGDĐT-GDTrH ngày 17/8/2021 của Bộ GDĐT “V/v tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú” với các lưu ý sau:

         Tiếp nhận tạm thời học sinh đang cư trú trên địa bàn do dịch bệnh theo học các lớp phù hợp; có xác nhận đầy đủ, khách quan, công bằng kết quả rèn luyện và học tập khi học sinh trở về địa phương cũ;

  • Đơn giản hóa thủ tục chuyển trường, tiếp nhận.
  • Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu học tập...

            VI. Tổ chức thực hiện

           Giao cho các cho các tổ Mầm non, tiểu học và THCS thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Nha Trang theo dõi, kiểm tra việc triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường theo từng phương án nêu trên để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

           Các cơ sở giáo dục, trường học

         Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kịp thời, đúng hướng dẫn nêu trên, phù hợp với địa bàn trường đóng chân.

         Các trường có thể bố trí CB-GV-NV đang lưu trú tại khu vực bình thường mới “vùng xanh” đến trường trong khu vực “vùng xanh” để chuẩn bị các  công việc liên quan cho năm học 2021-2022 (thực hiện theo Công văn số 8354/ UBND-KGVX ngày 26/8/2021 của UBND Tỉnh Khánh Hoà).

        Tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, phòng GD ĐT, cơ quan y tế địa phương về phòng chống dịch Covid-19.

         Báo cáo tình hình và kế hoạch giáo dục về Phòng GDĐT bằng mail công vụ cho các bộ phận Mầm non, tiểu học và THCS (Báo cáo theo bộ phận Mầm non gửi tổ mầm non, tiểu học gửi tổ tiểu học, THCS gửi tổ THCS – Đ/c Tân) để được theo dõi, chỉ đạo kịp thời./. 

 

Nơi nhận:

  • UBND TP (báo cáo);
  • Các cơ sở MN, trường MN, TH, THCS;
  • Các tổ MN, TH, THCS;                          (VBĐT)
  • Đăng Website PGD;
  • Lưu: VT.

TRƯỞNG PHÒNG

 

 

Trần Nguyên Lập

                    

 

  •  

 

Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập: 183043
   Hiện có: 6   Khách